THÔNG TIN VỀ HMPV (Human Metapneumovirus)

13/01/2025 12:44        

Human Metapneumovirus (HMPV) là một loại virus đường hô hấp phổ biến, thuộc họ Pneumoviridae, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001 tại Hà Lan.

Hình 1: Thông tin cơ bản về HMPV

Đối tượng bị ảnh hưởng: HMPV có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc mắc các bệnh mạn tính như COPD và hen suyễn.

Triệu chứng: Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Ho
  • Sổ mũi
  • Đau họng
  • Sốt
  • Khó thở (trong trường hợp nghiêm trọng)
  • Ở một số trường hợp, HMPV có thể dẫn đến viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Hình 2: Các triệu chứng và tiến triển của bệnh

Đường lây lan: HMPV lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi người nhiễm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Tiếp xúc gần khoảng cách dưới 2m với người mắc bệnh. Vô tình chạm vào bề mặt có virus, sau đó đưa tay lên mũi, miệng. Virus thường hoạt động mạnh vào mùa Đông và mùa Xuân. 

Hình 3: Các hình thức lây lan của virus

Phòng ngừa: Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa HMPV. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch.
  • Tránh tiếp xúc gần với người đang có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người.
  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

Hình 4: Các biện pháp phòng ngừa HMPV

Hầu hết các trường hợp nhiễm HMPV đều nhẹ và tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, ở những đối tượng nguy cơ cao, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản, đòi hỏi phải được chăm sóc y tế kịp thời.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên duy trì giám sát các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và khuyến cáo không áp đặt bất kỳ hạn chế nào về giao thương, đi lại liên quan đến các xu hướng của các bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời; đồng thời cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng và cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Thông tin được tổng hợp từ Bộ Y tế Việt Nam, Cục Y tế dự phòng và dịch thuật từ trang chủ của WHO, CDC Hoa Kỳ, bài báo khoa học quốc tế: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560910/